1. NÔNG VĂN DỀN - BÍ DANH (KIM ĐỒNG)
Anh Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, sinh năm 1929, dân tộc Nùng, Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Cha
là ông Nông Văn Y, Mẹ là bà Lân Thị Hò. Gia đình anh có 4 anh chị em, 1 anh trai và 2 chị gái. Trong đó, chị gái cả lấy chồng trong làng là anh Lý Văn Kinh hay được gọi là anh Kinh Xình, nhà anh Kinh Xình là nơi đón tiếp, tổ chức các cuộc họp của cán bộ cách mạng. Chị gái thứ hai là Nông Thị Lằng cũng lấy chồng là người trong làng. Anh trai là Nông Văn Tằng là một trong những thanh niên sớm tham gia hoạt động cách mạng, là đội viên giải phóng quân chiến đấu và hi sinh tại Chợ Đồn - Bắc Kạn. Cha anh bị thực dân Pháp bắt đi phu không rõ tung tích.
Tháng 5/1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Đội Thiếu niên Cứu quốc. Kim Đồng được bầu làm Đội trưởng Đội Thiếu niên Cứu quốc. Tháng 8/1942, trong lần Bác Hồ đi giảng dạy các lớp tập huấn cán bộ ở Hòa An, Nguyên Bình trở về Pác Bó, anh Kim Đồng rất vinh dự được gặp Bác tại hang Nộc Én. Tại đây, Bác đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh làm liên lạc cho Bác trong thời gian Bác hoạt động tại Pác Bó.
Đầu năm 1943 trong một lần đưa thư từ Đào Ngạn trở về đến Bản Hoong, Anh Kim Đồng phát hiện có giặc đang lùng sục bắt cán bộ vì chúng biết đêm nay có cuộc họp của Tổng bộ Việt Minh. Lúc này, anh đã nhanh trí báo cho các đội viên tìm cách báo cho các cán bộ; về phần mình, anh đánh lạc hướng và tập trung lực lượng của giặc về phía mình. Tiếng súng khiến anh hy sinh cũng chính là tiếng súng báo hiệu cho các đồng chí cán bộ rút lui về núi rừng an toàn. Lúc đó là rạng sáng ngày 15/2/1943, anh hy sinh khi tròn 14 tuổi tại đầu Phai Mục trên cánh đồng Nà Mạ gần dòng suối Lê Nin. Năm 1997, anh Kim Đồng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
2. NÔNG VĂN THÀN - BÍ DANH (CAO SƠN)
- Sinh năm 1924, mất năm 1986. Phần mộ hiện nay tại Phường Ngọc Xuân - thành phố Cao Bằng.
- Trưởng thành đi bộ đội.
- Năm 1954: Theo yêu cầu của mẹ Kim Đồng về chăm sóc bà.
- Ông có 2 người vợ và 8 người con, trong đó: Người vợ cả (quê xã Cảnh Tiên, huyện Trùng Khánh) và có với người vợ cả 2 người con, cụ thể: Linh Nông Đạo (Nguyên chủ tịch xã Cảnh Tiên, huyện Trùng Khánh, mất năm 2016); Linh Thị Tươi - hiện sống tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.
Ông kết hôn với người vợ hai vào năm 1955, bà tên là: Lục Thị Năm (sinh năm 1928, mất năm 2012), quê xóm Bản Đà, xã Đình Minh, huyện Trùng Khánh. Ông có với người vợ hai 6 người con, cụ thể: Linh Thị Bằng - sinh năm 1957 (mất tích ở Trung Quốc từ những năm 1990); Linh Cao Việt - sinh năm 1958; Linh Cao Cương - sinh năm 1960 (đã chết); Linh Văn Vương (Quyết) - sinh năm 1963; Linh Cao Lâm - sinh năm 1965; Linh Cao Bình - 1970 (đã chết).
- Năm 1960: ông được sắp xếp công tác tại Xí nghiệp vật liệu xây dựng Cao Bằng, sau đó giữ chức vụ Trưởng phòng tổ chức.
- Năm 1977: Nghỉ hưu theo chế độ
- Khi về hưu ông tham gia làm trưởng xóm (nay là tổ trưởng tổ dân phố) Tổ 6 khu Tam Trung đến khi mất.
3. LÝ THỊ XẬU - BÍ DANH (THANH THỦY)
- Bà sinh năm: 1928 và mất năm 1983.
- Trưởng thành thoát ly đi làm tại Cửa hàng thương nghiệp Sóc Giang, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
- Khoảng năm 1957: bà được nhà nước cấp đất tại Vườn Cam - Thị xã Cao Bằng và ở đó cho đến khi mất.
- Bà có 2 đời chống
+ Chồng thứ nhất: Là ông Nông Văn Hưu, có con chung tên Lý Nam Long.
+ Chồng thứ hai: Là ông Đàm Văn Cả, có con chung tên Lý Xuân Lành (sinh năm 1958, mất năm 1996).
4. LÝ THỊ NỲ - BÍ DANH (THỦY TIÊN)
- Bà sinh ngày 6/6/1928; mất năm 2003.
- Nguyên quán: xóm Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
- Trú quán: xóm Hòa Mục, xã Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
- Dân tộc: Nùng; Tôn giáo: Không.
- Trình độ văn hóa: Lớp 3.
- Ngày vào Đảng: Ngày 6/4/1966; chính thức ngày 6/4/1967.
- Tham gia hoạt động cách mạng ngày 20/3/1939, do đồng chí Đức Thanh, đồng chí Ngư Mạn, đồng chí Bát Ngư tổ chức vào Đội nhi đồng cứu quốc. Được phân công đưa thư từ Nà Mạ - Bản Hoàng và Nà Mạ đến Hòa Mục.
- Sau khi đồng chí Kim Đồng hi sinh, bị lộ bí mật, bố đẻ bị bắt giam tại đồn Sóc Giang. Cùng đồng chí Thanh Thủy và đồng chí Cao Sơn rút vào hoạt động bí mật tại địa điểm Lũng Nộc (hồi đó gọi là điểm Hoàng Hoa Thám). Thực hiện nhiệm vụ đưa thư từ Hoàng Hoa Thám đến điểm Lũng Mò (do đồng chí Quất, đồng chí Trần Đạt phụ trách) và từ điểm Hoàng Hoa Thám đến điểm Lũng Loỏng (do đồng chí Trần Hưng và đồng chí Tô Đình phụ trách).
- Đến tháng 8/1945 cách mạng thành công, đồng chí thoát ly bí mật. Từ năm 1945 - 1946, cùng đồng chí Bát Ngư đi tổ chức bình dân học vụ.
- Tháng 9/1946 tập tự vệ vũ trang biên phòng do đồng chí Mã Phi phụ trách, rồi vào đội vũ trang tuyên truyền tổ chức tại Đồng Mu, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Sau đó, đồng chí tham gia đi tuyên truyền, vận động bà con vào hội phụ nữ tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên do đồng chí Mã Phi phụ trách.
- Đến tháng 8/1949: làm công nhân dệt vải tại tỉnh Lạng Sơn.
- Đến tháng 11/1950: làm nhân viên Ban thông tin huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
- Từ 1951 - 1955: đồng chí tham gia Ban chấp hành phụ nữ xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng.
- Từ tháng 10/1955 - 1959: làm trung đội trưởng dân quân bảo vệ xóm làng và tổ chức cho anh, chị, em đi tải đạn cho bộ đội tại An Lại, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
- Năm 1960: công tác tại Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp xóm Hòa Mục, xã Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và tham gia làm Ban quản trị và đội trưởng sản xuất. Đến năm 1970 xin nghỉ vì bệnh tật và gia đình neo đơn.
- Từ năm 1974 - 1976: tham gia hội đồng nhân dân xã.
- Năm 1977: làm tổ phó, thư ký đội sản xuất
- Năm 1978: vì sức khỏe, bệnh tật và hoàn cảnh neo đơn nên nghỉ
* Chồng bà là ông Đàm Cao Duyên (đã chết). Bà có 05 người con, trong đó có 01 người con là liệt sỹ (Liệt sỹ: Đàm Xuân Tuyên).
Bà được Đảng và nhà nước tặng Bằng khen: Có công với nước; Huy chương kháng chiến hạng nhì.
5. LÝ VĂN TINH - BÍ DANH (THANH MINH)
- Ông sinh ngày 09/12/1923 và mất ngày 02/10/2011.
- Năm 1945: ông tham gia Ban Việt Minh.
- Ngày 02/9/1947: được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Từ năm 1947 - 1953: Làm giáo viên bình dân học vụ
- Từ năm 1954 đến 1959: Làm tổ trưởng tổ đổi công (thời gian này vẫn tham gia Ban Việt Minh).
- Từ năm 1959 - 1966: Làm phó chủ nhiệm Hợp tác xã.
- Từ 1967 - 1972: Đội trưởng đội sản xuất Nà Mạ, kiêm Bí thư chi bộ Nà Mạ, Nà Kéo.
- Năm 1973: Bị xóa tên trong danh sách đảng viên (do ngày ấy trong gia đình có cụ làm Tào)
- Từ 1990: Hưởng chế độ có công với cách mạng (hưởng hằng tháng)
* Ông kết hôn với bà Nông Thị Sậư (là chị gái của ông Nông Văn Thàn - tức Cao Sơn). Ông bà có với nhau 6 người con: Hai con đầu mất sớm (do bị bệnh), Lý Thị Nình - 1952 (hiện đang sống tại Tuyên Quang), Lý Thị Xính - 1957 (hiện đang sống tại Cư Kbang - Đăk Nông), Lý Ngọc Bính - 1960 (hiện đang sống tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà), Lý Thị Bòng - 1963 (hiện đang sống tại xã Trường Hà).